Tôi đã, đang và sẽ không chọn sống một cuộc đời được vẽ sẵn bởi bất kỳ ai khác, hay bởi bất kỳ giáo điều, quy chuẩn nào. Bởi vì chỉ có chính tôi mới biết mình ước mơ gì, khát khao gì, muốn sống một cuộc đời như thế nào và trở thành ai. Tôi không muốn đến lúc nào đó mình sẽ phải sống những giây phút cuối cùng của cuộc đời trong sự hối tiếc, và ra đi mà CHƯA KỊP SỐNG!
Còn bạn thì sao?
Một bài post dài….. rất dài, nhưng mong cả nhà hãy đọc thật kỹ. Và nếu được, hãy chia sẻ với tớ (và tất nhiên là với nhiều người khác) những cảm nghĩ của bạn…. Pờ-lizzzzz…….
Và nếu bạn thấy nó ý nghĩa, hãy SHARE!!!
Cảm ơn bạn!
Thương lắm!
=====
ĐIỀU HỐI TIẾC SỐ 1
ƯỚC GÌ TÔI ĐÃ CAN ĐẢM SỐNG CUỘC SỐNG ĐÚNG VỚI CHÍNH MÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI CUỘC SỐNG MÀ NGƯỜI KHÁC MUỐN
Bà Grace nhanh chóng trở thành một trong những khách hàng chăm sóc giảm đau mà tôi quý mến nhất. Bà là một phụ nữ nhỏ nhắn có tấm lòng quảng đại. Các con bà đều thừa hưởng điều đó; tất cả họ lúc bấy giờ đều đã làm cha mẹ và đều là những người tuyệt vời.
Bà Grace sống ở một khu biệt lập hoàn toàn trong thành phố, điều này khá khác thường so với các khách hàng khác của chúng tôi. Đó là một con đường ngoại ô như bao con đường khác, hai bên đường không có căn nhà nào. Ấn tượng đầu tiên của tôi là con đường rất phù hợp với những chương trình truyền hình vì nó tràn ngập năng lượng gia đình. Điểm tôi thích nhất về bà Grace và gia đình bà là họ rất thực tế và đón tiếp tôi rất chân tình.
Những ngày đầu tiên với bà cũng bắt đầu giống như những gì thường diễn ra với những khách hàng khác của tôi, đó là chia sẻ những câu chuyện để làm quen. Những bình luận quen thuộc được nghe thấy khi ở trong nhà vệ sinh về chuyện bà Grace đang đánh mất phẩm giá như thế nào khi để cho người khác phải lau mông cho bà, và một cô bé nhỏ nhắn xinh xắn như tôi không nên làm công việc khủng khiếp này. Tôi đã quen với phần việc đó của mình và luôn cố gắng làm tình cảnh nhẹ nhàng hơn cho bà Grace cũng như tất cả những khách hàng khác bằng cách không nhặng xị lên. Không nghi ngờ gì, ốm đau là cách dẹp bỏ được cái tôi. Phẩm giá mãi mãi biến thành dĩ vãng khi người ta bị bệnh sắp chết. Chấp nhận hoàn cảnh và chấp nhận có người lau mông cho mình là việc không thể tránh khỏi, vì khi đã trở nên quá ốm yếu, người ta sẽ không còn sức lo đến những chuyện như thế này.
Lập gia đình hơn 50 năm, bà Grace đã có một cuộc sống như nhiều người hằng mong muốn. Bà đã nuôi dạy những người con đáng mến và giờ đây đang vui vầy cùng mấy đứa cháu đang vào độ tuổi teen. Tuy nhiên, chồng bà là người rất bạo ngược nên cuộc sống hôn nhân của bà không được hạnh phúc trong suốt mấy chục năm. Vì vậy, khi ông ấy được đưa vào ở hẳn trong viện dưỡng lão cách đây vài tháng thì đây quả thật là một sự giải thoát cho tất cả, đặc biệt là cho bà Grace.
Trong suốt cuộc sống hôn nhân của mình, bà Grace luôn mơ ước được sống tách biệt với chồng bà, được đi du lịch, không phải chịu đựng thói gia trưởng của ông và trên hết là được sống một cuộc sống đơn giản, hạnh phúc. Mặc dù bà đã bước qua tuổi 80, nhưng so với độ tuổi này thì bà vẫn rất mạnh khỏe và sung sức. Sức khỏe tốt giúp bà đi lại tùy ý và đây cũng là món quà dành cho bà khi ông được đưa vào viện dưỡng lão.
Tuy nhiên, mới vừa tìm thấy sự tự do mà mình đã chờ đợi rất lâu mới có được, bà Grace bắt đầu cảm thấy yếu sức. Vài ngày sau bước ngoặt này, bà được chẩn đoán mắc căn bệnh nan y và bệnh đã chuyển biến khá nặng rồi. Điều đau lòng hơn nữa là bà mắc bệnh bởi thói quen hút thuốc lá triền miên trong nhà của chồng bà. Căn bệnh phát tác rất hung hãn và chưa đầy một tháng, bà Grace đã mất hết sức lực và phải nằm liệt giường, chỉ còn có thể tập tễnh chầm chậm bước vào phòng tắm với sự trợ giúp của khung đứng hỗ trợ đi lại. Ước mơ bà đã chờ đợi cả đời sẽ không bao giờ thành hiện thực được nữa. Đã quá trễ rồi. Bà vẫn đang phải chịu đựng nỗi đau đớn bởi căn bệnh này và nó giày vò bà khủng khiếp.
“Sao bà đã không làm những gì mình muốn? Sao bà lại để cho ông ấy điều khiển bà? Sao bà lại không đủ mạnh mẽ?” là những câu hỏi tôi nghe thường xuyên. Bà rất giận bản thân mình vì đã không có đủ can đảm. Các con bà đều xác nhận cuộc sống của bà rất khó khăn và họ rất đồng cảm với bà, tôi cũng vậy.
Bà nói, “Con đừng bao giờ để ai đó ngăn cản con làm những gì con muốn, Bronnie ạ. Hứa điều đó với bà già sắp chết này đi.” Tôi hứa và tiếp tục giải thích rằng tôi đã may mắn như thế nào khi có một người mẹ tuyệt vời và mẹ đã dạy cho tôi về sự tự do bằng chính cuộc sống của mẹ.
“Con nhìn bà đi,” bà Grace tiếp tục. “Sắp chết. Chờ chết! Làm sao mà chuyện này lại có thể xảy ra khi mà bà đã chờ ngần ấy năm để được tự do và độc lập và giờ mọi chuyện lại quá muộn màng?”. Không thể phủ nhận rằng đây quả là một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đây sẽ là điều luôn nhắc nhở tôi phải sống theo cách của mình.
Trong phòng ngủ của bà, nơi treo rải rác các sản phẩm tạo tác có giá trị tinh thần và những bức ảnh gia đình, chúng tôi chia sẻ những câu chuyện dài hàng tiếng đồng hồ trong những tuần đầu tiên này. Sức khỏe của bà sa sút khá nhanh. Bà Grace giãi bày rằng bà không phản đối chuyện hôn nhân một chút nào. Bà nghĩ hôn nhân là một điều tốt đẹp và là cơ hội lớn để trưởng thành qua việc học hỏi lẫn nhau. Cái bà chống lại là thuyết chủ nghĩa của thế hệ bà, tuyên bố rằng dù lý do gì thì cũng không được ly hôn. Và bà đã phải làm vậy, tự tước đoạt mất hạnh phúc của chính mình. Bà đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho người chồng không biết quý trọng tình yêu của bà.
Giờ thì bà sắp chết rồi, bà không quan tâm những gì người khác nghĩ về mình và đau khổ về chuyện tại sao mình không giải quyết việc này sớm hơn. Bà Grace cố giữ thể diện và sống theo cách người khác muốn, và bây giờ, bà mới nhận ra chính bà đã lựa chọn làm như vậy và điều ấy bắt nguồn từ nỗi sợ. Mặc dù tôi đã đề nghị giúp đỡ cho bà, bao gồm cả nhu cầu tha thứ cho bản thân, nhưng chính sự thật là mọi chuyện bây giờ đã quá trễ đang tiếp tục chôn vùi bà.
Hầu hết công việc của tôi là theo kiểu một chăm sóc những khách hàng dài hạn mà tôi có thể chăm sóc đến khi người đó mất. Qua nhiều năm, cũng có vài khách hàng mà tôi chỉ gặp họ một vài lần xen kẽ với những nhân viên chăm sóc thường xuyên của họ. Những lời chất chứa nỗi đau đớn, tuyệt vọng và tủi hờn từ bà Grace cũng là những lời nói quen thuộc từ nhiều người khác mà tôi đã gặp. Trong số tất cả những hối tiếc và bài học mà tôi được nghe khi ngồi bên giường họ, thì HỐI TIẾC VÌ KHÔNG SỐNG CUỘC SỐNG THEO CÁCH MÌNH MUỐN LÀ HỐI TIẾC PHỔ BIẾN NHẤT. Đó cũng là thứ gây ra thất vọng nhiều nhất, khi họ tỉnh ngộ quá muộn màng.
Trong nhiều cuộc trò chuyện từ giường ngủ, có lần bà Grace nói, “Không phải bà muốn sống một cuộc sống huy hoàng. Bà là người tốt và bà không muốn làm hại ai cả.” Bà Grace là một trong những người dịu dàng nhất mà tôi đã từng gặp và dù sao đi nữa bà cũng không có khả năng làm hại ai. Vì khả năng đó không có trong bà. “Bà cũng muốn làm những thứ cho mình nhưng lại không có can đảm.” Bây giờ, bà Grace đã hiểu ra rằng nếu như bà có đủ can đảm để trân trọng khao khát này thì có lẽ mọi việc có thể đã tốt hơn cho mọi người. “Tất cả mọi người, trừ ông ấy,” bà chán ghét dằn vặt chính mình. “Lẽ ra bà đã có thể sống hạnh phúc hơn và không để cho điều bất hạnh này ngấm vào gia đình mình hàng chục năm qua. Sao bà lại chịu đựng ông ấy chứ? Tại sao chứ Bronnie, tại sao?”. Khi tôi ôm chặt lấy người phụ nữ đáng mến này vào lòng, thì tiếng nức nở đau thắt lòng của bà vỡ òa và nước mắt bà tiếp tục tuôn trào.
Khi bớt khóc, bà nhìn tôi quyết liệt. “Bà nói nghiêm túc đây. Hứa với bà già sắp chết này là con lúc nào cũng là chính mình, rằng con đủ can đảm để sống theo cách con muốn, bất chấp những gì người khác nói.” Tấm rèm bằng ren tung bay nhẹ nhàng, để cho ánh sáng bên ngoài tràn vào phòng, chúng tôi trìu mến nhìn nhau trong tình yêu thương, sự thông suốt và quyết tâm.
“Con hứa với bà. Con vẫn đang cố gắng làm như vậy. Nhưng bây giờ con hứa với bà con sẽ luôn tiếp tục làm như vậy,” tôi trả lời chân thành. Nắm lấy tay tôi, bà mỉm cười, biết rằng ít nhất là kinh nghiệm của bà không lãng phí hoàn toàn. Tôi kể cho bà Grace nghe về công việc ngân hàng và quản lý chán ngắt mà mình đã làm trong hơn chục năm tuổi trẻ, bà bắt đầu hiểu tôi nhiều hơn và quan tâm lắng nghe nhiều hơn. Khi tôi từ nước ngoài trở về, những năm tháng làm việc trong ngành ngân hàng lại chồng chất thêm. Tôi gọi những năm tháng dứt bỏ ngành ngân hàng là thời gian “cai sữa”.
Những năm đầu mới tốt nghiệp rất vui. Có nhiều thực tập sinh và công việc trên hết là mang lại tính kết nối bạn bè. Tất cả thực tập sinh khoảng 17 hay 18 tuổi. Nên chuyện có việc làm thật ra chỉ là để cho bằng bạn bằng bè và để kiếm tiền tiêu xài vào những ngày cuối tuần. Lúc đầu, công việc rất dễ dàng đối với tôi và có thể vẫn là như vậy nếu như tôi toàn tâm toàn ý vào công việc. Nhưng không bao giờ như vậy. Sau những năm đầu tiên đó, tôi nhanh chóng cảm thấy bồn chồn và bắt đầu chất vấn cuộc sống của mình. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục sống cuộc sống đó thêm khoảng 10 năm nữa, DÙ LÚC NÀO TÔI CŨNG BIẾT RẰNG CÒN CÓ NHỮNG THỨ KHÁC ĐANG CHỜ ĐỢI MÌNH NHƯNG TÔI LẠI KHÔNG CÓ CAN ĐẢM ĐỂ THEO ĐUỔI.
Điều khiến tôi chùn bước nhất chính là tôi sợ một số thành viên trong gia đình chế nhạo mình nếu như tôi phá vỡ cái khuôn khổ mà họ kỳ vọng tôi khớp vào. Tôi sống cuộc sống của người khác qua lăng kính của mình và không bao giờ làm được. Nhưng tôi vẫn tiếp tục thường xuyên thay đổi công việc ngân hàng, đồng phục và chỗ ở. Kết quả là tôi đang trên con đường thăng tiến, do đã làm việc ở hầu hết các ngân hàng và làm nhiều vị trí hơn người bình thường cùng tuổi mình làm. Tôi thành công theo mặc định.
Buồn chán ghê gớm, tôi tiếp tục bán thời gian của mình cho công việc không hề mang lại điều gì cho tâm hồn mình. Có rất nhiều người yêu thích công việc ngân hàng và tôi thấy mừng cho họ. Ngành ngân hàng cần những người như vậy. Hiện nay cũng vậy, có rất nhiều cơ hội làm việc trong lĩnh vực mà bạn có thể đóng góp lại cho cộng đồng theo nhiều cách chính đáng khác. Nhưng cũng giống như bà Grace, tôi đã sống một cuộc sống người khác muốn ở mình, chứ không phải là cuộc sống mà mình mong muốn.
Vì tôi không có quyền gì với vài người thân trong gia đình và đang phải khổ sở trở thành người theo hình mẫu mà họ mong muốn ở tôi, nên có một “công việc tốt” ít ra cũng giúp tôi được yên thân. Tôi bị giam cầm cùng với nỗi sợ hãi và nỗi đau đớn tiềm tàng vì đã tự đưa mình dính vào nhiều chỉ trích hơn những gì mình đã từng chịu đựng trước đây.
Là một thành viên bị ghét bỏ không bao giờ là chuyện dễ dàng trong bất cứ gia đình nào. Thành viên bị ghét bỏ có một vai trò khác phải làm tròn trong chức năng gia đình. Nhưng việc này không phải luôn luôn dễ dàng. Khi một số thành viên chính trong gia đình giành được quyền lực bằng cách làm giảm sút sức mạnh của người khác, thì lúc đó con đường còn chông gai gập ghềnh hơn nữa. Nhưng khi làm việc trong nhiều gia đình trong lĩnh vực chăm sóc, tôi quan sát thấy rằng hầu như gia đình nào cũng có ít nhiều mâu thuẫn. Mỗi nhà mỗi cảnh. Nhà tôi cũng không khác, tuy vậy nhận thức này không hề làm vơi đi nỗi buồn đau của tôi lúc đó.
Như tôi vẫn còn nhớ được thì việc chế nhạo tôi là một môn thể thao gia đình. Tôi là một tay bơi lội ở giữa một gia đình của những người cưỡi ngựa, là một người ăn chay đến từ một gia đình có trang trại nuôi cừu, là một kẻ du cư trong gia đình của những người an cư, và còn nhiều nhiều nữa. Thường thì những lời thốt ra đều là những lời chế nhạo và người nói không hề nhận ra nỗi đau mà họ đã gây ra lúc đó. Sau vài chục năm nghe như vậy thì những lời đùa cợt cũng dần phai nhạt đi. Nhưng còn những lần khác, hết sức thường xuyên, những lời nói lại là cố ý và hoàn toàn thô lỗ. Ngay cả khi bạn có sức mạnh của cả ngàn người, những câu nói đó vẫn gặm nhấm bạn sau nhiều năm. Đặc biệt là khi bạn thấy khổ sở lúc nhớ lại giai đoạn cuộc đời bị chế nhạo, nhiếc móc, hay rủa xả bạn là thứ đã hết thuốc chữa, không phải chỉ là một phần của cuộc đời bạn mà là cả quãng đời đó của bạn.
Do đó, cho đến lúc này tôi đặc biệt không thích mối tương quan trong gia đình. Nên cách dễ nhất để giải quyết chuyện này là tiếp tục sống cuộc sống mà họ muốn. Cuối cùng, tôi bắt đầu rút lui và tách biệt với họ. Đó là cách đối phó của tôi.
Những nghệ sĩ trên thế giới cũng là thành phần dễ bị hiểu lầm, và tôi là một nghệ sĩ. Tôi chỉ chưa nhận ra thôi. Tất cả những gì tôi biết là việc bán sản phẩm bảo hiểm cho người chỉ muốn gửi tiền vào ngân hàng thật sự không phải sở trường của mình. Doanh số bán hàng của chi nhánh cuối tháng hoàn toàn không can hệ gì đến tôi. Tôi không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoại trừ việc đem đến cho khách hàng dịch vụ thân thiện, ấm áp và việc này tôi làm rất tốt. Nhưng điều đó không đủ cho bộ mặt đang thay đổi của ngành ngân hàng. Tất cả chỉ là bán, bán và bán.
Người ta nói chúng ta làm việc là để tránh nỗi đau hơn là để có được niềm vui. Đó là khi nỗi đau trở nên quá lớn để rồi cuối cùng chúng ta phải lấy hết can đảm để tạo ra sự thay đổi. Đến lúc ấy, nỗi đau trong tôi vẫn tiếp tục mưng mủ cho tới khi nó vỡ ra.
Khi tôi bỏ một “công việc tốt” khác để đến sống trên đảo, ai cũng hoang mang. “Sao con bé lại làm vậy? Bây giờ nó đi đâu?” Và qua tất cả chuyện này, tôi lại phấn khích nghĩ rằng, “Tôi sẽ sống trên đảo!” Càng xa thì tôi càng hạnh phúc. Ở đó, cuộc sống của tôi là của tôi và đó là một cuộc sống tươi đẹp. Mọi liên lạc từ đảo đến đất liền tôi có đều là với người mẹ yêu quý của mình, mẹ vừa là điểm tựa vừa là người bạn quý của tôi.
Lần đầu tôi tập tành thiền định là vào những năm tôi sống trên đảo. Sau đó, tôi tìm ra cách đi đến con đường đem đến cho tôi cơ hội được kết nối với tấm lòng của mình theo cách mà chưa ai làm qua. Qua con đường này, tôi bắt đầu hiểu và trải nghiệm lòng trắc ẩn. Đó là một nguồn năng lượng tốt lành và mạnh mẽ.
Nỗi đau khổ mà tôi lãnh nhận từ người khác thật ra chính là nỗi đau khổ của bản thân họ đã lan truyền qua tôi mà thôi. Những người hạnh phúc không đối xử với người khác như vậy. Họ không phán xét khi người khác được sống thật với bản thân người đó. Nếu có thì họ cũng tôn trọng chuyện đó. Khi nhận ra nỗi đau mà thế hệ trước giáng xuống thế hệ sau, tôi đã lựa chọn thoát khỏi nó trong cuộc sống. Tôi sẽ không bao giờ có thể kiểm soát người nào nữa và tôi cũng không muốn làm vậy. Con người thay đổi bởi vì họ muốn vậy và sẽ thay đổi vào lúc mà họ thấy sẵn sàng.
Học cách nhìn cuộc sống bằng tấm lòng trắc ẩn và chấp nhận rằng mình có thể không bao giờ có mối quan hệ yêu thương hay cảm thông mà mình từng ao ước đã giải thoát cho tôi. Điều này thay đổi cuộc sống của tôi về nhiều mặt. Biết rằng nỗi đau hiện hữu đang liền da, tôi thừa nhận rằng không phải ai cũng có can đảm để đối diện với quá khứ, ít nhất là cho tới khi nỗi đau trở nên quá sức chịu đựng.
Ở một mức độ nào đó, mối quan hệ gia đình vẫn vậy và kéo dài thêm vài năm nữa, nhưng ngày càng ít ånh hưởng tới tôi. Điều này đòi hỏi sức mạnh và thời gian nhưng giờ đây nó không còn liên quan tới tôi nữa, mà chỉ liên quan tới ai đang cố gắng ném sự chỉ trích và phê phán vào tôi.
Câu chuyện nhà Phật kể rằng có một người đàn ông giận dữ quát tháo Phật nhưng Phật vẫn không hề nao núng. Khi mọi người hỏi làm sao Phật có thể giữ được bình tĩnh và không bị tác động, Phật trả lời bằng một câu hỏi. “Nếu ai đó tặng bạn một món quà và bạn chọn không nhận nó, vậy món quà thuộc về ai?” Tất nhiên món quà ở lại với người tặng. Thỉnh thoảng vẫn có những câu nói ném vào tôi một cách phi lý. Tôi không nhận nó và thay vào đó, tôi cảm thấy động lòng trắc ẩn. Dù gì thì những lời nói đó không xuất phát từ nơi chốn của hạnh phúc.
Bài học quan trọng nhất tôi từng học được trong cuộc sống là lòng trắc ẩn bắt nguồn từ chính bản thân ta. Việc nuôi dưỡng lòng thương cảm đối với người khác sẽ giúp cho công cuộc chữa lành vết thương được bắt đầu và tiếp tục. Điều này sẽ đưa tôi thoát khỏi cái gọi là công thức khi những thói cư xử cố hữu vẫn còn chế ngự bản thân mình. Tôi nhận diện được nỗi đau và biết nỗi đau đó không liên quan gì tới mình. Đó là nỗi đau của người khác đã trỗi dậy và thoát ra ngoài. Tất nhiên, điều này không chỉ đúng trong quan hệ gia đình mà còn đúng trong tất cả các mối quan hệ, cá nhân, xã hội và công việc. Ai cũng đều có lúc bị tổn thương. Ai cũng đều có nỗi đau.
Học cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn cho bản thân mình khó khăn hơn rất nhiều và lúc đó, tôi không ngờ là phải mất nhiều năm trời mới học được điều đó. Tất cả chúng ta đều khắc nghiệt với bản thân một cách không công bằng. Học cách trao cho bản thân lòng yêu thương và thừa nhận là mình cũng đang vô cùng tổn thương là việc khó thay đổi. Dường như việc ta lắng nghe những ý kiến bất công từ người khác rồi nhận vơ vào mình còn dễ dàng hơn vì ta đã quá quen với điều đó. Học cách tử tế với bản thân và dành cho mình lòng thương cảm có thể không mang tới hạnh phúc nhưng là một quá trình mà tôi phải trải qua. Chí ít thì vết thương cũng đang bắt đầu liền da.
Khi có mục tiêu mới là phải biết yêu thương, tôn trọng và thương cảm bản thân mình, thì tôi bắt đầu bớt chịu ảnh hưởng bởi cách cư xử của gia đình từ trước tới nay. Tôi đã có can đảm để đối đáp, tự cho mình cơ hội được lắng nghe thay vì tiếp tục rút lui. Tất nhiên, đây là nỗi đau của chính tôi được thể hiện ra ngoài và không thật sự liên quan tới những người tôi đề cập một chút nào. Tất cả chúng ta đều diễn giải chuyện xảy ra với mình bằng cách của mình. Và đây là cách tôi thể hiện và giải tỏa nỗi đau của tôi. Việc phá bỏ lề thói vốn tồn tại hàng chục năm đòi hỏi rất nhiều can đảm. Nhưng nỗi đau ấy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và tôi không còn gì để mất nữa. Vì vậy mà tôi không thể đeo mang nỗi đau của sự im lặng thêm nữa.
Tuy vậy, cuối cùng, niềm khao khát được yêu thương, chấp nhận và thấu hiểu lẫn nhau mới thật sự là nguyên nhân tiếp nguồn cho nỗi đau trong mỗi chúng ta. Vậy thì lòng trắc ẩn chính là con đường duy nhất phía trước: lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn. Bất chấp mọi thứ, tình yêu thương trong vỏ bọc mỏng manh của nó vẫn tồn tại giữa chúng ta.
Điều này cũng giống như tôi bơi qua bơi lại trên cùng một dòng sông, và mỗi lần tôi đều gặp một tảng đá lớn nằm chắn ngang dòng chảy. Tảng đá vẫn luôn ở đó. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra là nó luôn luôn ở đó. Nên thay vì phải đối mặt với tảng đá đó để rồi bị vướng lại hết lần này đến lần khác, tôi chọn chỗ khác để bơi, chỗ mà giúp tôi bơi về phía trước tự do và thoải mái. Tôi không còn phải trăn trở về chướng ngại vật đã cản trở quá trình tự nhiên của tôi, luôn gây ra bế tắc và đau khổ cho tôi.
Đã đến lúc phải làm khác đi. Đã đến lúc phải chọn con đường khác để đi, để cất lên tiếng nói của mình và nói “đủ rồi”. Tôi không muốn phải chịu đựng cái vòng luẩn quẩn ấy nữa. Dù cho điều này có làm tôi đơn độc hơn đi chăng nữa, nhưng ít ra, nó cũng đưa tôi đến với sự bình an. Còn con đường kia thì chắc chắn không bình an. Sau khi đã cất lên tiếng nói của mình, mọi chuyện bắt đầu thay đổi trong tôi. Lòng tự tôn của tôi vững vàng hơn và tôi cũng tự thể hiện bản thân mình rõ ràng hơn. Những hạt giống mới khỏe mạnh hơn cuối cùng cũng được gieo xuống. Tôi vẫn chưa biết phải nuôi dưỡng nó như thế nào nhưng ít ra, nó cũng đã được vun trồng. Đã đến lúc bắt đầu sống cuộc sống mà tôi mong muốn có được, mỗi lần từng chút một.
Sau khi tôi tâm sự điều này với bà Grace, chúng tôi dễ dàng thân thiết hơn. Bà đồng ý là mỗi nhà mỗi cảnh. Bà không thể tìm ra một gia đình nào không gặp khó khăn và tin rằng những gia đình đó đều mang lại những bài học là những món quà giá trị nhất cho hầu hết mọi người. Chúng tôi cùng thảo luận vì sao mà con đường duy nhất để trải nghiệm tình yêu là phải hoàn toàn chấp nhận một người như chính con người họ và không mong đợi bất cứ điều gì ở họ. Đó là con đường nhân ái nhất có thể có, nhưng nói thì dễ hơn làm rất nhiều.
Bà Grace chia sẻ nhiều câu chuyện với tôi; phản ánh cuộc sống của bà, về chuyện mấy đứa trẻ lớn lên, hàng xóm láng giềng thay đổi, rồi thường câu chuyện sẽ quay trở lại sự hối tiếc trước khi chết của bà. Bà ước mình có can đảm sống cuộc sống thật với lòng mình chứ không phải là cuộc sống mà người khác muốn bà sống. Khi chẳng còn sống được bao lâu nữa, thì người ta thường thành thật vì không có gì để mất. Những gì chúng tôi chia sẻ với nhau lúc này đi thẳng vào phần cốt lõi của những vấn đề quan trọng. Chúng tôi nói đến những chuyện riêng tư, chứ không còn nói những chuyện phiếm vu vơ nữa. Việc trải lòng với bà Grace không ngờ lại làm cho tôi nguôi ngoai và đôi tai biết lắng nghe của tôi cũng giúp xoa dịu cho bà.
Cuối cùng, chúng tôi lại chuyển qua chủ đề về cuộc sống hiện tại của tôi, con đường âm nhạc, quá trình tôi sáng tác bài hát và biểu diễn. Trong lúc ngồi uống trà, bà Grace đòi tôi mang cây đàn guitar đi làm ngày mai để chơi bài gì đó cho bà nghe, đây quả là một vinh hạnh rất lớn cho tôi. Trong lòng ngập tràn hạnh phúc, tôi hát cho bà Grace nghe và bà mỉm cười, ngân nga theo khi ngồi ở trên giường. Bà cảm thụ từng bài tôi hát, như thể mỗi bài đều là bài hát tuyệt vời nhất thế gian. Gia đình bà cũng đến nghe một số bài, họ rất dễ thương và ủng hộ tôi rất nhiều. Đặc biệt, có một bài hát bà Grace cực kỳ yêu thích vì bà luôn muốn đi đây đó. Bài hát có tên “Dưới bầu trời nước Úc”. Sau hôm đó, bà yêu cầu tôi hát cho bà nghe thường xuyên hơn. Bà Grace nói là không cần đến cây đàn guitar. Nên tôi ngồi ở trong phòng bà, hát cho người phụ nữ bé nhỏ vui vẻ này, và bà nhắm mắt mỉm cười, như uống lấy từng lời. Bà yêu cầu tôi hát hết lần này đến lần khác và tôi chẳng hề thấy mệt mỏi khi hát cho bà nghe.
Mỗi ngày sức khỏe của bà Grace lại xấu dần đi. Thân hình nhỏ nhắn của bà teo tóp nhiều hơn. Những người bạn già đến để nói lời từ biệt. Họ hàng ngồi cạnh giường bà trò chuyện và cố ngăn dòng nước mắt. Gia đình bà là một gia đình rất thực tế, rất quan tâm và thăm nom bà thường xuyên. Tôi thích như vậy. Tôi cũng yêu mến những con người hiền lành ấy. Khi tất cả đã rời đi, chỉ còn bà Grace với tôi, thì bà lại bảo tôi hát. Đó là một khoảng thời gian rất đặc biệt. Bà đi đứng không còn vững nữa và mặc dù bà đã chịu sử dụng ghế tiểu tiện bên cạnh giường, nhưng bà lại không chịu dùng nó khi đi đại tiện. Bà muốn sử dụng toilet bình thường để tôi không phải lau dọn ghế tiểu tiện. Bà vẫn không lay chuyển ngay cả khi tôi cố gắng làm cho bà tin rằng chuyện đó không thành vấn đề với mình. Chúng tôi mất thời gian rất lâu mới đi được vào phòng tắm, cũng may là phòng tắm ở ngay cạnh phòng bà. Bà rất yếu. Khi bà đại tiện và được lau chùi xong, tôi giúp bà đứng dậy và kéo quần lót của bà lên. Muốn giữ cho bà thăng bằng trong lúc kéo quần thì tôi phải thao tác thật là nhanh chóng.
Rồi chúng tôi bắt đầu lê từng bước trở lại phòng ngủ, bà Grace chống vào khung hỗ trợ bước đi và tôi theo sau, giữ hông của bà, tôi để ý là trong lúc vội vã tôi đã nhét một chiếc đầm ngủ vào phần sau chiếc quần lót của bà. Tôi mỉm cười với người phụ nữ nhỏ nhắn đáng mến đang bước chập chững tới giường vào những ngày cuối đời, rồi lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc khi bà bắt đầu hát “Bên dưới bầu trời nước Úc” trong lúc bước đi. Một vài ca từ bị đặt sai chỗ, nhưng điều đó càng làm cho khoảnh khắc này thân thương hơn.
Tôi biết mình vừa trải qua đỉnh cao sự nghiệp ca hát. Không gì có thể mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc hơn trải nghiệm này nữa. Giả sử như tôi không bao giờ viết một bài nhạc nào thì tôi cũng không thấy phiền lòng. Lòng tôi chan chứa niềm vui hơn bất kỳ điều gì trong sự nghiệp âm nhạc khi được trao đi nhiều niềm vui đến vậy cho con người đáng mến này bằng lời ca tiếng hát của mình và nhận lại niềm vui ấy khi nghe bà hát bài hát của mình trong những ngày cuối đời.
Tôi tới chỗ làm mấy ngày sau, rõ ràng hôm nay đã là ngày cuối cùng của bà Grace. Tôi giải thích là tôi sẽ gọi cho gia đình bà, nhưng ban đầu, bà lắc đầu từ chối. Dù rất yếu ớt và kiệt sức nhưng bà vẫn nhích tới và ôm lấy tôi. Để giúp cho cánh tay nhỏ nhắn của bà đỡ mất sức, tôi nằm lên giường và ôm bà vào lòng. Bà rất thích như vậy và chúng tôi nằm nói chuyện thủ thỉ một lúc, ngón tay bà vuốt tay tôi. Tôi lại thắc mắc tại sao bà không muốn có gia đình ở bên cạnh thì bà nói là bà không muốn làm cho họ đau lòng thêm. Bà yêu họ rất nhiều.
Nhưng tôi nói họ cần được nói lời từ biệt, và nếu bà không cho họ cơ hội đó thì có thể khiến họ mang trong lòng nỗi đau đớn và tội lỗi suốt đời. Bà hiểu ra và đồng ý, thừa nhận rằng bà không muốn họ cảm thấy tội lỗi vì không có mặt ở đây. Tôi gọi điện cho họ và họ tới ngay lập tức. Nhưng trước khi họ tới, bà thều thào bảo với tôi, “Con nhớ lời hứa của bà cháu mình đúng không, Bronnie?”
Tôi gật đầu trong nước mắt đáp, “Dạ nhớ ạ.”
“Sống thật với lòng mình. Đừng bao giờ lo lắng về những gì người khác nghĩ. Hứa với bà đi, Bronnie,” giọng bà lúc này chỉ thều thào đů nghe. “Con hứa với bà,” tôi nói khẽ. Bà siết chặt tay tôi rồi chìm vào giấc ngủ, bà chỉ tỉnh dậy một lúc để nhìn thấy gia đình thân yêu của mình, những người ngồi cạnh bà đến phút cuối. Bà Grace mê man suốt mấy tiếng đồng hồ. Thời khắc của bà đã đến. Tôi ngồi lặng lẽ trong nhà bếp, lời hứa của tôi với bà vẫn còn vang vọng bên tai. Nhưng tôi không chỉ hứa với một mình bà Grace. Lời hứa đó cũng là lời tôi tự hứa với chính mình.
Vài tháng sau, khi đứng trên sân khấu giới thiệu album nhạc của mình, tôi đã dâng tặng bài hát đó cho bà. Gia đình bà Grace cũng có mặt trong hàng ghế khán giả. Ánh đèn sân khấu làm tối hầu hết các khuôn mặt nhưng tôi cũng không cần nhìn thấy họ. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu mà họ đang chia sẻ khi tôi nhớ đến người phụ nữ nhỏ nhắn thân thương đó, dù bà không đưỢC sống một cuộc sống như bà mong muốn nhưng thay vào đó, bà đã truyền cảm hứng cho tôi.
(Trích từ sách: Ước gì tôi đã… – Bronnie Ware)