Đọc kỹ…thật kỹ nhé huynh đệ. Có lẽ anh em chỉ mất 5-10 phút để đọc hết, nhưng tớ mất đến mấy giờ đồng hồ và hơn 20 năm trải nghiệm cho bài này đấy
NGHỀ & #NGHIỆP
Dạo gần đây khá nhiều bạn quan tâm, nhờ tư vấn và đề nghị tớ chia sẻ về chủ đề <Định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, công việc, hướng khởi nghiệp…… Do đó, bằng đôi chút hiểu biết vẫn còn hạn hẹp, những kinh nghiệm cũng như trải nghiệm của bản thân hơn 20 năm trên hành trình tìm kiếm, học hỏi, thực nghiệm… rồi đến lượt chính mình lại chia sẻ, đào tạo, cố vấn cho những người khác trong hơn 10 năm qua, tớ mạo muội viết đôi dòng về vấn đề này.
Đây chỉ là 1 góc nhìn chủ quan của tớ, không phải là chân lý, chỉ mang tính chất tham khảo. Và rất có thể sẽ đụng chạm đến nghề nghiệp của không ít người. ACE có thể đồng tình hoặc không, đó cũng là lẽ thường trong cuộc sống.
Hơn nữa, trong phạm vi của 1 bài viết, tớ chỉ có thể chia sẻ hết sức đơn giản và ngắn gọn. Mong anh chị em bớt chút thời gian quý báu của mình xem qua và đóng góp ý kiến, góc nhìn của mình nhé. Và tớ cũng rất vui nếu có cơ hội được giao lưu và mở rộng thêm hiểu biết của mình. Đa tạ! Đa tạ!
*****Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta ai cũng lựa chọn cho mình 1 nghề nghiệp nào đó để nuôi sống bản thân và gia đình của mình. Cũng có không ít người chọn làm những gì mà họ yêu thích, đam mê. Hay cũng có những người tìm kiếm những cách thức để trở nên giàu có, thành công. Và lại có những người chọn làm công việc nào đó vì những giá trị mà nó đem lại cho mọi người, cho xã hội…
Ông bà ta có nói: “Nghề chọn người, chứ người không thể chọn nghề”. Bạn sẽ đồng tình với câu nói này nếu bạn hiểu về Nhân – Quả, Nghiệp Báo. Bởi vì cuộc sống này của chúng ta bị chị phối bởi Nghiệp lực, dòng chảy của Nghiệp đã tạo ra từ vô lượng kiếp trước đến nay. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “NHÂN”, còn “DUYÊN” thì do chính chúng ta tạo ra bởi khao khát, đam mê, nỗ lực tinh tấn học hỏi và hành động…
Khi nói về Nghề Nghiệp, chúng ta có thể hiểu rằng: NGHIỆP trong quá khứ kết hợp với những “DUYÊN” mà chúng ta tạo ra ở hiện tại sẽ dẫn ta đến với nghề “dành cho mình”. Và rồi đến lượt, khi chúng ta “hành nghề” thì chúng ta lại tạo ra những “NGHIỆP” mới. Những NGHIỆP này có thể là PHƯỚC hoặc là HỌA là tùy thuộc vào nghề mà chúng ta làm là THIỆN hay ÁC, hay nói 1 cách khác là CHÁNH hay TÀ.
Trong bài thuyết pháp đầu tiên sau khi thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật, dành cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài – bài pháp về Tứ Diệu Đế (4 sự thật tuyệt đối về cuộc đời). Diệu Đế thứ 4 là “ĐẠO ĐẾ” – BÁT CHÁNH ĐẠO – trong đó có CHÁNH MẠNG – Nghề nghiệp chân chánh, đúng đắn – Nghề mà giúp chúng ta tạo ra “Nghiệp tốt, Nghiệp thiện”, hay còn gọi là tạo ra PHƯỚC ĐỨC (Cho dù chúng ta có ý thức được điều này hay không)
Vậy, thế nào là 1 nghề nghiệp “CHÁNH MẠNG”?
Để nói về 1 nghề nghiệp “Chánh mạng” 1 cách sâu sắc thì tớ chưa đủ tầm, và có lẽ vô cùng khó khăn để có thể tìm thấy và theo đuổi. Nhưng một cách thô thiển thì tớ có thể chia sẻ quan điểm của mình như thế này:
Tiêu chí đầu tiên là: Nghề đó KHÔNG PHẠM 5 GIỚI CẤM, trực tiếp hoặc gián tiếp
Không sát sinh: Những nghề liên quan đến việc nuôi nhốt, giết mổ, buôn bán động vật.
Không nói dối: Không nói quá, nói sai, giấu diếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ… mà mình kinh doanh.
Không trộm cướp: Những gì ko thuộc về mình, không phải do mình bỏ thời gian, công sức và trí tuệ để tạo ra.
Không tà dâm: Không kinh doanh dịch vụ hay sản phẩm liên quan đến dâm dục. Cái này thì những ai đang kinh doanh các sản phẩm tăng cường khả năng tình dục, kích dục… cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhé
Không kinh doanh chất gây say, gây nghiện: Chất gây nghiện, rượu bia,…
Tiêu chí thứ 2 là: Hãy đặt câu hỏi và tự trả lời cho những câu hỏi: “Lợi nhuận/Thu nhập mà mình có được đến từ đâu? Chúng đến từ việc tạo ra GIÁ TRỊ, LỢI ÍCH cho người khác, hay tiền từ túi người khác chuyển qua túi của mình mà không có giá trị hay lợi ích thiết thực nào thật sự được tạo ra.
Đây chính là lý do mà tớ hầu như không quan tâm đến #ĐẦU_TƯ. Tớ không vơ đũa cả nắm nhé, vì vẫn có những đầu tư rất hữu ích
Tiêu chí thứ 3: Nghề mình làm có gây hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, con người và xã hội hay không? Mức độ ảnh hưởng đến đâu? Hay đem lại những lợi ích cho môi trường, cho xã hội, và mọi người?
Khía cạnh thứ hai tớ muốn chia sẻ là: Chúng ta nên lựa chọn như thế nào giữa “Công việc yêu thích, Thu nhập tốt hay Môi trường phát triển”?
Hãy hết sức cẩn thận với những lời khuyên kiểu như “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, “Hãy chỉ làm những gì mình yêu thích”…… Cần xem xét thật sâu sắc “đam mê, yêu thích” của mình với 3 tiêu chí trên. Bởi vì hầu hết sở thích của các bạn trẻ chỉ đơn thuần phục vụ cho cảm xúc, niềm vui, lợi ích cá nhân mà chẳng đem lại ích lợi gì cho cộng đồng, xã hội, thậm chí có không ít những người có những sở thích, đam mê cực kỳ “bệnh hoạn”, nguy hiểm và gây hại cho người khác
Mục đích cuối cùng mới là yếu tố quan trọng nhất cho việc lựa chọn và theo đuổi nghề/công việc, những yếu tố còn lại chỉ là thứ yếu, hoặc thậm chí là không cần thiết! Do đó, làm gì không quan trọng, quan trọng là việc đó sẽ tạo ra kết quả như thế nào.
Thu nhập: Hiển nhiên tiền bạc là quan trọng, bởi gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống đều cần đến tiền. Hoặc là nếu có tiền, chúng ta làm được nhiều việc một cách tốt hơn.Tuy nhiên, cần hiểu rằng TIỀN là Kết quả của những Giá trị mà chúng ta đã tạo ra cho người khác. Nhưng đừng quên, song song với việc thu về tiền bạc, thì chúng ta cũng thu về cả Nghiệp nữa. Bạn muốn đó là Nghiệp tốt hay Nghiệp xấu??? Bất kỳ thứ gì hết đi, bạn đều có thể kiếm lại được, và thậm chí có thể nhiều hơn trước. Nhưng Phước (Nghiệp tốt) mà cạn thì Trời cũng bó tay!
Môi trường phát triển: Mục tiêu đúng đắn của thành công là con người mà ta trở thành chứ không phải là những gì ta đạt được. Một khi ta trở thành 1 con người có giá trị và trao tặng những giá trị đó cho người, cho đời thì những mục tiêu khác sẽ tự nhiên mà hoàn thành.
Hành trình thành công của mỗi người đều chỉ có thể do chính bản thân người đó bước đi và hoàn tất. Để sống 1 cuộc đời có ý nghĩa, mỗi chúng ta cần phải có một NỘI LỰC hùng hậu (Giới – Định – Tuệ). Bản thân mỗi người sinh ra trên đời không ai có sẵn cho mình một nguồn nội lực như vậy cả. Và vì vậy, để phát triển nội lực của mình, chúng ta cần phải dựa vào Ngoại lực, mà trong Phật Giáo gọi là “Quy Y Tam Bảo” – Nghĩa là “Quay về nương tựa vào 3 báu vật”: Phật – Pháp – Tăng
Phật – Bậc Giác Ngộ Trong cuộc sống bình thường của chúng ta, đây chính là “vị thầy hiền trí” – Người thầy có Tâm hướng thiện, vị tha, bao dung, và đủ năng lực để dạy dỗ, dẫn dắt học trò. Ông bà ta cũng từng khẳng định: Không thầy đố mày làm nên!
Pháp – Lời dạy của Bậc Giác Ngộ. Chúng ta có thể tìm thấy những lời dạy của những vị thầy chân chính thông qua sách hay bài giảng của họ.
Tăng – Đồng đội, đồng chí – Những người bạn cùng chí hướng, cùng lý tưởng.Chúng ta cần những người đồng đội, bởi chẳng có gì đáng kể trên đời này được tạo ra từ công sức của một cá nhân, cho dù đó là 1 cá nhân kiệt xuất!
Môi trường tốt phải là môi trường có được 3 BÁU VẬT này. Trong đó, theo tớ thì THẦY HIỀN TRÍ chính là BÁU VẬT quan trọng nhất. Nếu ta có thể ở bên họ đủ lâu, quan sát, lắng nghe, học hỏi từ họ đủ nhiều, ta sẽ có thể tìm thấy SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI của chính mình, đồng thời, 2 báu vật còn lại tự nhiên mà bạn sẽ có được.3 báu vật này sẽ giúp bạn phát triển nội lực của mình ngày một hùng hậu hơn, để bạn có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình, bước đi một cách mạnh mẽ và hoàn thành cuộc hành trình.
Còn nếu bạn nhìn quanh và không thấy mình được dẫn dắt bởi 3 báu vật thì sao? Tớ dám chắc chắn với bạn rằng bạn đang được dẫn lối bởi 3 QUÁI VẬT!!! Mà bạn biết rồi đấy, mục tiêu của lũ quái vật sẽ là không ngừng rút tỉa nội lực của bạn, làm bạn suy yếu đi, dựa dẫm nhiều hơn, “nghiện ngập” ngày càng nặng hơn, và rồi chúng sẽ dẫn lối cho bạn đến địa ngục của khổ đau, của Tham Sân Si.
Khía cạnh cuối cùng là…Hầu hết chúng ta đều tin rằng ai đó thành công là vì anh ta giỏi, anh ta có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Không phải thế! Khi một người đạt được những thành công đáng kể, mọi người sẽ tự nhiên mà thừa nhận rằng anh ta là một người giỏi giang.
Trên đời đâu có thiếu những người xuất chúng nhưng ko thành công. Không ít những nhân vật như là những kho tàng kiến thức nhưng vẫn cứ liên tục thất bại ê chề.
Bởi vì bạn chăm chỉ, kiên trì nên bạn thành công? Cũng chẳng phải! Rất nhiều người chăm chỉ hơn người, kiên trì hơn người, nhưng rồi kết cục cũng chẳng đạt được gì đáng kể.
Sự thật là: Một người đạt được thành công là bởi vì PHƯỚC ĐỨC của anh ta DÀY hơn người.
Nói điều này không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn năng lực cá nhân, sự chăm chỉ, kiên trì theo đuổi đến cùng, sự tinh tấn nỗ lực. Như ở trên đã đề cập đến: Phước Đức là Nhân, nhưng mỗi người chúng ta cần phải không ngừng nỗ lực học hỏi, phát triển, hành động… để tạo đủ Duyên cho những “hạt giống Phước Đức” của mình có thể nảy mầm, vươn cao và đơm hoa kết trái.
LỜI_KẾT:Tất cả mọi thứ cũng chỉ là PHƯƠNG TIỆN để giúp chúng ta hoàn thành MỤC TIÊU TỐI HẬU của cuộc đời mình. Hãy tìm kiếm cho mình một “PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO” nhất có thể. Hãy học cách sống TÙY DUYÊN – một cách sống thật sự chủ động, hơn tất thảy mọi sự chủ động nào khác. Hãy luôn ý thức và nỗ lực tìm kiếm MỘT MÔI TRƯỜNG TỐT, MỘT NGƯỜI THẦY CHÂN CHÍNH.
Nếu có đủ PHƯỚC ĐỨC mà bạn có thể tìm thấy Người Thầy của mình thì chắc chắn bạn cũng sẽ có được 2 Báu Vật còn lại: Những lời dạy/sách hay và những người bạn cùng chí hướng, bạn sẽ có môi trường tốt mà bạn cần. Và khi đó, nhiệm vụ của bạn là “xin phép Vị Thầy ấy cho mình được đi theo, học hỏi và làm việc vị ấy làm, đọc những quyển sách mà vị ấy đề nghị”, hãy gắn chặt, theo sát “như hình với bóng”, dẫu có thịt nát xương tan cũng chẳng rời! Sadhu, Sadhu, Sadhu
P/s: Cũng muốn chia sẻ nhiều lắm, nhưng bài thì đã dài quá rồi, năng lực văn chương thì cũng có hạn, nên thôi đành dừng…..gõ phím Mong huynh đệ tỷ muội chỉ giáo thêm